Tăng giá trị cho nông sản bằng 'con đường' truy xuất nguồn gốc

Theo các chuyên gia, để tăng giá trị nông sản và phát triển xuất khẩu một cách bền vững trong thời gian tới, nước ta cần phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhằm minh bạch thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị nông sản.

Nông sản xuất khẩu "đắt khách" nhờ minh bạch nguồn gốc

Có thể thấy, hiện nước ta có nhiều loại nông sản, hàng hóa đặc trưng đã và đang khẳng định thương hiệu không chỉ tại "sân nhà" mà còn cả trên thị trường thế giới. Vừa qua, một loạt các loại quả thế mạnh đã được "ghi danh" tại nhiều thị trường khó tính bậc nhất như EU, Nhật Bản...

Đơn cử, sau 3 ngày lên kệ hệ thống siêu thị Á Châu, lô vải thiều Thanh Hà gắn tem truy xuất nguồn gốc nhập khẩu vào Pháp đã được tiêu thụ nhanh chóng. Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho thấy, nhiều khách mua hàng tại hệ thống siêu thị Á Châu, sau khi được nếm thử trái vải Thanh Hà đã bày tỏ sự ngạc nhiên trước hương vị thơm ngon và ngọt dịu đặc trưng.

Đáng chú ý, tại thị trường châu Âu, người tiêu dùng thường rất quan tâm tới tem truy xuất nguồn gốc nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa, nâng cao sự cam kết và trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối. Đối với trái vải, họ đã được tiếp cận thông tin đầy đủ, từ quy trình nuôi trồng cho tới lịch sử thu hoạch, đóng gói, các chứng chỉ kiểm tra chất lượng, chỉ thông qua điện thoại cá nhân…

Nhờ đó, doanh nghiệp Pháp đã quyết định đẩy nhanh kế hoạch nhập khẩu và lô vải thứ hai sẽ được nhập ngay trong tuần này. Như vậy, chỉ trong 7 ngày, có hai lô hàng gần một tấn vải thiều được nhập khẩu chính ngạch vào thị trường này.

Bên cạnh đó, tại thị trường Nhật Bản, các lô vải thiều tươi của nước ta xuất khẩu từ đầu năm tới nay cũng được gắn tem truy xuất nguồn gốc. Dự kiến mùa vụ năm nay, các công ty đầu mối xuất khẩu sẽ xuất khoảng 2.000 tấn vải thiều tươi sang Nhật Bản, trong đó Bắc Giang và Hải Dương mỗi địa phương là 1.000 tấn.

Ngoài các thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung Quốc, một số nước ASEAN... năm nay trái vải còn được xuất khẩu sang nhiều thị trường khác như: Hoa Kỳ, Australia, Hà Lan, Anh, Canada, UAE, Thái Lan…

Như vậy có thể thấy, khi thực hiện truy xuất nguồn gốc, thông tin nông sản được minh bạch sẽ khiến cho sản phẩm nhanh chóng thâm nhập và có vị trí bền vững hơn ở thị trường xuất khẩu.

Bổ sung quy định quản lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa

Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP, Nghị định số 74/2018/NĐ-CP, Nghị định số 86/2012/NĐ-CP và biện pháp thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Dự thảo nghị định bổ sung thêm nội dung về quản lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, bảo đảm hỗ trợ phát triển sản phẩm, hàng hóa chủ lực. Việc bổ sung quy định mới này được nhận định sẽ mang lại nhiều hiệu quả lớn. Các quy định này hỗ trợ các nhà sản xuất, doanh nghiệp chủ động xây dựng, triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, thông qua việc ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mã số mã vạch theo chuẩn quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa, nâng cao uy tín, giá trị, thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.

Được biết, hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng, công bố 20 tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc. Dự kiến quý IV/2021, Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia sẽ đi vào hoạt động.

Các tiêu chuẩn quốc gia là cơ sở để các doanh nghiệp chuẩn hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc. Trong đó, thông tin về sản phẩm, hàng hóa được thu thập đầy đủ trong tất cả các khâu của chuỗi cung ứng, thay vì chỉ có thông tin của khâu nuôi trồng, sản xuất như hiện nay. Cổng truy xuất nguồn gốc sẽ lưu trữ các thông tin này nhằm phục vụ nhu cầu quảng bá của doanh nghiệp và phục vụ cho việc quản lý, giám sát của cơ quan chức năng…/.

Nguồn: http://nbc.gov.vn/tintuc/tang-gia-tri-cho-nong-san-bang-con-duong-truy-xuat-nguon-goc

Tin liên quan